Trong các vụ tranh chấp về hợp đồng xuất khẩu nông sản, việc gia hạn thời hạn nhận hàng (theo yêu cầu của bên mua) nhưng không thỏa thuận lại về việc kiểm định chất lượng hàng hóa, dẫn đến phát sinh tranh chấp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản 7 tháng đầu năm ước đạt 9,43 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Các giao dịch xuất khẩu nông sản đi các thị trường lớn trên thế giới có nhiều thuận lợi, song một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn chưa chú trọng ngăn ngừa các rủi ro pháp lý trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của các giao dịch xuất khẩu nông sản.

Việc gia hạn hợp đồng mà không có thêm những điều khoản bổ sung sẽ gây rủi ro cao cho bên bán.
Hiện nay, trong các vụ tranh chấp về hợp đồng xuất khẩu nông sản, vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp vướng mắc là việc gia hạn thời hạn nhận hàng (theo yêu cầu của bên mua) nhưng không thỏa thuận lại về việc kiểm định chất lượng hàng hóa, dẫn đến khi bên mua nhận hàng, chất lượng không đảm bảo theo hợp đồng, từ đó phát sinh tranh chấp.
Cần xác định rõ việc gia hạn thời gian nhận hàng là quyền của bên bán; Nghĩa vụ nhận hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận là nghĩa vụ cơ bản của bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Do đó, đến thời hạn nhận hàng mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, bên mua phải có nghĩa vụ nhận hàng.
Việc không nhận hàng đúng thời hạn của bên mua có thể sẽ phát sinh thiệt hại và tiềm ẩn rủi ro cho bên bán. Bởi lẽ, bên bán phải chịu các chi phí thuê kho, bãi, chi phí bảo quản, đặc biệt với đặc trưng của hàng nông sản, rất dễ tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm chất lượng hàng hóa khi phải lưu kho trong thời gian bên mua chưa nhận hàng.
Do vậy, việc không nhận hàng đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận là một hành vi vi phạm hợp đồng. Nếu bên mua không thực hiện việc nhận hàng đúng thời hạn, bên bán có quyền áp dụng các chế tài thương mại để bảo đảm quyền lợi của mình.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam thường chấp nhận gia hạn thời gian nhận hàng cho bên mua vì tinh thần thiện chí và tâm lý muốn bán được hàng. Tuy nhiên, lại không lường trước các rủi ro pháp lý.
Từ vị thế là bên tuân thủ đúng các cam kết về số lượng, chất lượng hàng hóa và thời gian giao hàng, bên bán trở thành bên vi phạm hợp đồng, bị bên mua khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và chấm dứt hợp đồng vì lý do không đảm bảo về chất lượng hàng hóa.
Hai vụ việc sau đây là các ví dụ điển hình:
Bên bán (Tây Ninh) ký kết hợp đồng xuất khẩu điều nhân với bên mua (Đài Loan). Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, bên mua đặt cọc trước một khoản tiền tương đương 10% giá trị hợp đồng. Đến ngày nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên mua đến kiểm tra chất lượng hàng hóa, xác nhận sẽ lấy hàng và lấy lý do chưa thể nhận hàng được vì vấn đề kho chứa, bên mua yêu cầu bên bán gia hạn thời gian nhận hàng thêm 3 tháng. Bên bán trên tinh thần thiện chí, đã chấp nhận gia hạn cho bên mua được nhận hàng và bảo quản hàng hóa cho bên mua thêm ba tháng.
Tương tự, một công ty xuất khẩu hạt điều (Bình Phước) cũng nhận đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu hạt điều với bên mua (Đài Loan). Theo thời hạn nhận hàng mà các bên thỏa thuận, bên mua đến kiểm tra chất lượng hàng, không có khiếu nại về chất lượng và gửi e-mail xin được nhận hàng sau vài tháng. Bên bán cũng chấp nhận gia hạn cho bên mua và bảo quản hàng trong kho của mình.
Trong cả hai vụ việc trên, khi đến hạn nhận hàng, bên mua đến nhận hàng và yêu cầu kiểm định chất lượng hàng hóa trước khi nhận hàng. Theo kết quả kiểm định, tại thời điểm nhận hàng, bên bán đã cung cấp hàng hóa không phù hợp về chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Cụ thể, các thông số về chất lượng như độ ẩm cao, có sâu mọt và tỉ lệ vỡ hạt cao hơn so với cam kết.
Bên mua ngay sau đó từ chối nhận hàng, khởi kiện bên bán tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, đòi lại tiền cọc và phạt vi phạm hợp đồng đối với bên bán. Bên mua cho rằng, tại thời điểm bên mua nhận hàng (sau khi được bên bán đồng ý gia hạn), bên bán đã giao hàng không đúng với thỏa thuận của các bên về chất lượng.
Vụ việc trên cho thấy, tại thời điểm kiểm tra hàng hóa lần đầu tiên, bên mua đã không có bất kỳ khiếu nại nào về chất lượng và xác nhận về việc sẽ nhận hàng. Tuy nhiên, sau khi bên mua gia hạn thời hạn nhận hàng cho bên bán và bảo quản hàng trong kho của mình, chất lượng hàng hóa đã thay đổi, không đảm bảo như thỏa thuận trong hợp đồng.
Bên bán đã thiện chí trong việc chấp nhận cho bên mua nhận hàng được nhận hàng sau đó, tuy nhiên, bên bán lại không lường trước được việc bảo quản hàng hóa trong kho của mình sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể dẫn đến hàng hóa bị thay đổi các thông số về chất lượng.
Về mặt pháp lý, khi bên mua gia hạn thời gian nhận hàng cho bên bán ( và không thỏa thuận lại về chất lượng hàng hóa) thì bên bán cũng phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về mặt chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do vậy, nếu giao hàng không đảm bảo về chất lượng, bên bán được xem là vi phạm nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng. Bên bán vẫn phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa cho đến khi bên mua nhận hàng.
Việc bên bán thiện chí gia hạn thời hạn nhận hàng cho bên mua là điều đáng ghi nhận. Tuy vậy, bên bán vẫn có nghĩa vụ giao hàng đúng chất lượng đã thỏa thuận cho bên mua. Việc gia hạn nhận hàng cho bên mua là quyền của bên bán, nhưng giao hàng đúng chất lượng cũng là nghĩa vụ cơ bản của bên bán. Do đó, bên bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa đối với bên mua.
Hai vụ việc nêu trên cho thấy, bên bán từ chỗ là bên tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng, trở thành bên vi phạm về chất lượng hàng hóa. Điều 56 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng.” Như vậy, bên mua phải nhận hàng đúng thời hạn vì đây là nghĩa vụ cơ bản của bên mua. Trường hợp không nhận hàng, bên mua được xem là vi phạm nghĩa vụ nhận hàng. Lúc này, bên bán có quyền áp dụng các chế tài thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể, trong vụ việc này, số tiền đặt cọc dùng để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng thuộc về bên bán vì bên mua không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng (Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015).
Trong hai vụ việc nêu trên, bên bán đã chủ quan, không thỏa thuận lại với bên mua về những rủi ro đối với chất lượng hàng hóa trong quá trình bên mua chưa nhận hàng.
Rất nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa trong quá trình bảo quản như: công nghệ chế biến, bảo quản hàng nông sản, khí hậu nhiệt đới (tại Việt Nam) với độ ẩm, nấm mốc, sâu mọt … dễ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Chính những nguy cơ tiềm ẩn như vậy là những yếu tố để doanh nghiệp cân nhắc có chấp nhận gia hạn thời hạn nhận hàng cho bên mua hay không. Trường hợp nhận thấy nhiều rủi ro, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền từ chối việc gia hạn nhận hàng, buộc bên mua nhận hàng đúng thời hạn.
Đây là kinh nghiệm rất đáng lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Khi xảy ra tình huống như hai sự việc vừa nêu, bên bán hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề rủi ro về chất lượng trong quá trình bảo quản đối với bên mua. Hai bên có thể thỏa thuận thay đổi các chỉ số về chất lượng để phù hợp, hoặc thỏa thuận bên mua sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa cho đến thời điểm được bên mua gia hạn thời hạn nhận hàng. Trong trường hợp không thỏa thuận được, bên bán được quyền yêu cầu bên mua nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng, và có quyền áp dụng các chế tài khi bên mua không nhận hàng đúng hạn.
Huỳnh Đăng Hiếu - Ban Thư ký – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Nguồn: http://viac.vn/goc-nhin-trong-tai-vien/gia-han-thoi-han-nhan-hang-%E2%80%93-rui-ro-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-a967.html